Chính Sách Tài Khóa là gì? Ai thực hiện chính sách tài khóa và nó tác động đến nền kinh tế như thế nào?

chính sách tài khóa là gì?

 

Chính sách tài khóa là gì? Khi nói đến các chính sách kinh tế vĩ mô các bạn thường nghe nói đến chính sách tiền tệ (monetary policy) và chính sách tài khóa (fiscal policy) bên cạnh một số chính sách vĩ mô khác.

Trong khi chính sách tiền tệ do Ngân hàng Trung ương (có thể là một cơ quan trực thuộc chính phủ hoặc cơ quan độc lập) đảm trách thì chính sách tài khóa lại do chính phủ thực hiện mà nhiệm vụ trực tiếp thường là Bộ Tài chính.

  • Chính sách tiền tệ: là chính sách vĩ mô, trong đó, ngân hàng trung ương thông qua các công cụ của mình thực hiện kiểm soát và điều tiết lượng tiền cung ứng nhằm đạt được các mục tiêu cuối cùng là: Kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả, ổn định sức mua của nội tệ, Ổn định sức mua đối ngoại của đồng nội tệ, Tăng trưởng kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm. 
  • Chính sách tài khóa: Là công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô được Chính phủ sử dụng để huy động, phân phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của quốc gia. Các mục công cụ của Chính sách tài khóa bao gồm: Thuế, chi tiêu ngân sách, Vay nợ Chính phủ.

Trong bài này sẽ tạm thời chưa nói đến chính sách tiền tệ mà chỉ tìm hiểu thêm để hiểu rõ chính sách tài khóa là gì

Chính sách tài khóa là gì?

Chính sách tài khóa có thể hiểu là các biện pháp can thiệp của chính phủ đến hệ thống thuế khóa và chi tiêu của chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu của nền kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm hoặc ổn định giá cả và lạm phát.

Như vậy, việc thực thi chính sách tài khóa sẽ do chính phủ thực hiện liên quan đến những thay đổi trong các chính sách thuế và chi tiêu chính phủ. Cần phải lưu ý rằng, chỉ chính quyền trung ương (chính phủ) mới có quyền và chức năng thực thi chính sách tài khóa, còn chính quyền địa phương không có chức năng này.

Đây cũng chính là một trong những yếu tố giúp phân biệt giữa một chính sách tài khóa với một chính sách chi tiêu thuộc phạm vi ngân sách theo phân cấp của chính quyền địa phương.

chính sách tài khóa là gì?
Chính sách tài khóa là gì?

Các công cụ của chính sách tài khóa bao gồm các công cụ về thuế, công cụ chi tiêu, và công cụ tài trợ cho thâm hụt ngân sách. Có nhiều loại thuế khác nhau chẳng hạn như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bất động sản, v.v…

Nhưng tựu trung lại có thể chia ra làm hai loại thuế là thuế trực thu (direct taxes) và thuế gián thu (indirect taxes).

  • Thuế trực thu là thuế đánh trực tiếp lên tài sản và thu nhập của người dân.
  • Thuế gián thu là thuế đánh lên giá trị của hàng hóa, dịch vụ trong lưu thông thông qua các hành vi sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế.

Tương tự, các chính sách chi tiêu của chính phủ cũng hết sức đa dạng nhưng cũng có thể tạm chia thành hai phần chính là

  • Chi tiêu thường xuyên (chẳng hạn như chi lương cho công chức, chi cho các hoạt động giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng).
  • Chi đầu tư phát triển (chẳng hạn như chi xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội). Ngoài công cụ thuế và chi tiêu, các công cụ tài trợ cho thâm hụt ngân sách hay tài trợ nợ của chính phủ (tạm gọi là nợ công) cũng được xem là một phần của chính sách tài khóa.

Ngân sách nhà nước có ba trạng thái: Thặng dư, thâm hụt, và cân bằng ngân sách.

Xác định ngân sách nhà nước đang ở trạng thái nào thì có thể dựa vào hai yếu tố là

  • Chính sách thuế (T) nói chung (không chỉ có thuế mà còn các khoản thu ngân sách ngoài thuế khác và không tính nợ vay, chúng ta cũng có thể xem trợ cấp như một loại thuế âm).
  • Chi tiêu chính phủ (G) (chi tiêu mua sắm hàng hóa, dịch vụ của chính phủ).
     
    • Nếu T > G => gọi là thặng dư ngân sách.
    • Nếu T < G => gọi là thâm hụt ngân sách.
    • Nếu T = G => gọi là cân bằng ngân sách.
     

Lưu ý: các khoản thu (T) và chi ngân sách (G) này không bao gồm các khoản vay và trả nợ. Khi đó trạng thái ngân sách sẽ được gọi là thặng dư/thâm hụt/cân bằng ngân sách cơ bản. Nếu tính cả các khoản vay trả nợ nữa thì gọi là thặng dư/thâm hụt/cân bằng ngân sách tổng thể.

Khi nói đến điều hành chính sách tài khóa, người ta thường nói đến các loại như chính sách tài khóa trung lập (neutral fiscal policy), chính sách tài khóa mở rộng (expansionary fiscal policy), và chính sách tài khóa thu hẹp (contractionary fiscal policy).

  • Chính sách tài khóa trung lập là chính sách cân bằng ngân sách, tức chi tiêu của chính phủ hoàn toàn được tài trợ từ nguồn thu của chính phủ và nhìn chung là có tác động trung tính lên mức độ của các hoạt động kinh tế.
  • Chính sách tài khóa mở rộng là chi sách tăng cường chi tiêu của chính phủ thông qua mở rộng chi tiêu và giảm bớt nguồn thu thuế.
  • Chính sách tài khóa thu hẹp là chính sách giảm bớt chi tiêu và tăng nguồn thu của chính phủ.

Việc điều hành chính sách tài khóa theo hướng nào tùy thuộc vào quan điểm của từng chính phủ gắn với các bổi cảnh kinh tế vĩ mô cụ thể.

Có những chính phủ theo đuổi chính sách tài khóa trung lập, trong khi cũng có những chính phủ theo đuổi các chính sách tài khóa mở rộng hoặc thu hẹp gắn với từng bối cảnh cụ thể của nền kinh tế vĩ mô.

Chính sách tài khóa thuận và nghịch chu kỳ

Thông thường khi nền kinh tế suy thoái thì chính phủ sẽ thực thi chính sách tài khóa mở rộng và ngược lại khi nền kinh tế tăng trưởng thì chính phủ sẽ thực thi chính sách tài khóa thu hẹp. Điều hành chính sách tài khóa theo hướng này được gọi là chính sách tài khóa nghịch chu kỳ (counter-cyclical fiscal policy).

Ngược lại cũng có những quốc gia điều hành chính sách tài khóa thuận chu kỳ (pro-cyclical fiscal policy), tức là khi nền kinh tế suy thoái thì thu hẹp tài khóa, còn khi nền kinh tế tăng trưởng nóng thì mở rộng tài khóa.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, ở các nước phát triển thường chính sách tài khóa có tính nghịch chu kỳ, ngược lại ở các nước đang phát triển thì chính sách tài khóa lại thường có tính thuận chu kỳ.

Hạn chế của chính sách tài khóa là gì?

Khi nói đến tính hiệu lực của chính sách tài khóa, người ta nói đến “ độ trễ chính sách ”. Độ trễ chính sách bao gồm độ trễ trong và độ trễ ngoài. Độ trễ trong có nghĩa là khoảng thời gian từ khi vấn đề trục trặc của nền kinh tế vĩ mô được nhận diện cho đến khi chính sách tài khóa can thiệp được hoạch định và được cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Độ trễ ngoài là khoảng thời gian từ khi chính sách tài khóa được thông qua cho đến khi nó được triển khai và bắt đầu phát huy tác dụng. Độ trễ chính sách là một trong những lý do làm giảm tính hiệu lực của chính sách tài khóa.

Điều này là bởi vì kể từ khi nhận diện được trục trặc cho đến khi chính sách được thiết kế, thông qua, và triển khai có quá nhiều yếu tố làm cho tình hình thay đổi. Khi đó, các chính sách dù được thiết kế tốt nhưng lại có thể không phù hợp với bối cảnh và các trục trặc mới nảy sinh.

chính sách tài khóa là gì?

Khi kinh tế suy thoái, tức là sản lượng thực tế thấp xa so với sản lượng tiềm năng và tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao, thì thâm hụt ngân sách thường lớn. Trong trường hợp này, tăng thêm chi tiêu của chính phủ sẽ làm cho thâm hụt ngân sách trở nên lớn hơn. Ngoài ra việc tăng hay giảm chi tiêu ngân sách luôn là một nhiệm vụ khó khăn đối với tất cả các chính phủ.

Bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các tầng lớp dân cư và điều đó có thể gây nên làn sóng phản đối chính phủ. Do đó, chính phủ nên cân nhắc dựa thêm các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội… chứ không thể hoàn toàn dựa trên các lí do kinh tế thuần tuý để thực hiện chính sách tài khóa.

Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích và mang đến cách nhìn vĩ mô rộng mở hơn!

Từ khóa:
Chính sách tài khóa là gì?
Hạn chế của chính sách tài khóa là gì?
Các công cụ của chính sách tài khóa là gì?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *