NỘI DUNG BÀI VIẾT
Non-farm là gì? Chỉ số Non-farm tác động đến nền kinh tế và đồng USD như thế nào?
Non-farm (NF) là cách nói ngắn gọn hơn cho Non-farm Payrolls (NFP). Non-farm Payrolls (NFP) được biết đến với tên gọi tiếng Việt là Bảng lương phi nông nghiệp, là một dữ liệu kinh tế về việc làm phi nông nghiệp hằng tháng của Mỹ. Nó là một phần trong Báo cáo việc làm do Bộ Lao động Hoa Kỳ phát hành. Non-farm đưa ra những số liệu về sự gia tăng hoặc sụt giảm việc làm trong nền kinh tế nhưng không bao gồm những công việc liên quan đến nông nghiệp vì nông nghiệp có tính mùa vụ và không ổn định. Non-farm như một thước đo về tình trạng của thị trường lao động, chính vì thế nó cũng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế.
Non-farm Payrolls (NFP) được công bố vào ngày thứ Sáu đầu tiên của mỗi tháng lúc 19:30 (mùa hè) và 20:30 (mùa đông) theo giờ Việt Nam.
Các bạn có thể xem tin Non-farm trên Lịch kinh tế trên các trang web như www.forexfactory.com và vn.investing.com.
Cấu trúc của bản tin Non farm
Một bảng tin Nonfarm (NFP) bao gồm 3 thành phần chính: Thu nhập trung bình theo giờ, Sự thay đổi việc làm phi nông nghiệp và Tỷ lệ thất nghiệp. Các số liệu này được tạo thành dựa trên cơ sở của 2 cuộc khảo sát: Household Survey và Establishment Survey.
- Household Survey (Khảo sát Hộ gia đình) là tên gọi khác của Khảo sát dân số hiện tại (Current Population Survey – CPS): khảo sát này được lấy mẫu từ 60,000 hộ gia đình tại Hoa Kỳ, qua CPS, những người được khảo sát sẽ được phân loại thành: có việc làm, thất nghiệp và không thuộc lực lượng lao động. Ngoài ra, kết quả của khảo sát cũng sẽ thể hiện được các đặc điểm của lực lượng lao động như: lao động toàn thời gian, bán thời gian hay lý do thất nghiệp…Tỷ lệ thất nghiệp quốc gia chính là số liệu thống kê nổi bật được tạo ra từ khảo sát này.
- Establishment Survey (Khảo sát Thiết lập) là tên gọi khác của Khảo sát Thống kê việc làm hiện tại (Current Employment Statistics Survey – CES): với việc lấy mẫu từ 142,000 doanh nghiệp trên khắp Hoa kỳ, bảng khảo sát đã đo lường được số việc làm, giờ và thu nhập trong lĩnh vực phi nông nghiệp phân loại theo ngành nghề và địa lý. 2 thành phần còn lại trong bảng tin Non-farm là Sự thay đổi việc làm phi nông nghiệp và Thu nhập trung bình theo giờ được tạo ra từ khảo sát này.
Kết quả
Cả 2 cuộc khảo sát đều rất cần thiết cho một bức tranh hoàn chỉnh về thị trường lao động. Dữ liệu của Khảo sát Hộ gia đình, đặc biệt là Tỷ lệ thất nghiệp đóng vai trò như một chỉ số kinh tế quan trọng. Những nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích sử dụng các dữ liệu này để xây dựng và đánh giá các chính sách kinh tế. Trong khi các dữ liệu của Khảo sát Thiết lập được rất nhiều bộ phận sử dụng cho những mục đích khác nhau, trong đó có Chính phủ, các cơ quan nhà nước, các nhà phân tích, nghiên cứu và cả những nhà giao dịch (trader), nhà đầu tư (investor) trên thị trường tài chính Hoa Kỳ và khắp Thế giới.
Những chỉ số và thành phần dữ liệu được công bố trong bản tin Non-farm Payrolls (NFP):
Thu nhập trung bình theo giờ (Average Hourly Earnings): Dữ liệu này được thể hiện bằng tỷ lệ tăng hoặc giảm theo %. Thu nhập trung bình tăng có nghĩa là người lao động được nhận lương cao hơn, điều này sẽ dẫn đến chi tiêu nhiều hơn, góp phần làm tăng lạm phát. Một khi lạm phát tăng sẽ khiến FED phải cân nhắc điều chỉnh lãi suất, một sự điều chỉnh để tăng lãi suất trong trường hợp này sẽ làm tăng giá trị đồng USD. Ngược lại, thu nhập giảm, người dân sẽ thắt chặt tiêu dùng, lạm phát giảm, FED điều chỉnh giảm lãi suất khiến đồng USD giảm giá.
Sự thay đổi việc làm phi nông nghiệp (Non-Farm Employment Change): Giá trị của thành phần này thể hiện bằng một con số, cho biết có thêm bao nhiêu việc làm mới trong tháng này. Số lượng việc làm mới tăng lên có nghĩa là các doanh nghiệp đã tăng cường tuyển dụng thêm lao động, dấu hiệu tốt của sự tăng trưởng kinh tế, góp phần làm cho đồng USD tăng giá và ngược lại.
Tỷ lệ thất nghiệp (Unemployment Rate): Tỷ lệ thất nghiệp được thể hiện bằng phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nghĩa là có nhiều người thất nghiệp hơn so với tháng trước, chứng tỏ, nền kinh tế đang bị suy thoái làm suy yếu đồng USD. Và ngược lại.
Ba chỉ số chính Non-farm Payrolls (NFP) được công bố gồm:
- Chỉ số của kỳ trước.
- Chỉ số dự báo: Phán đoán các chuyên gia được đưa ra từ đầu tuần.
- Chỉ số công bố của kỳ này.
Mức chênh lệch giữa 3 chỉ số này sẽ tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư khiến cho thị trường biến động mạnh. Đặc biệt, khi dữ liệu Non-farm Payrolls (NFP) được công bố khác hoàn toàn so với dữ liệu được dự đoán, ví dụ tỷ lệ việc làm tháng 10 theo dự đoán tăng, nhưng khi bảng lương phi nông nghiệp Nonfarm (NFP) công bố là giảm, sẽ khiến cho đồng USD sụt giảm kéo theo nhiều cặp ngoại tệ khác biến động vô cùng dữ dội.