Tại sao chính phủ chú trọng tới việc phát triển công nghiệp phụ trợ?

– Vai trò của công nghiệp phụ trợ:

Ngoài hiệu quả tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá theo hướng vừa mở rộng (broadening) vừa thâm sâu (deepening). Công nghiệp hỗ trợ không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Dù những sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài nhưng vì chủng loại quá nhiều, phí tổn chuyên chở, bảo hiểm sẽ làm tăng phí tổn đầu vào. Đó là chưa nói đến sự rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu và gia tăng nhập siêu, ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thương mại quốc gia (thâm hụt thương mại). Công ty đa quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý dây chuyền cung cấp (supply chain management) nếu phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận, và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ khác. Vì lý do này, công nghiệp phụ trợ không phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng giới hạn trong một số ít các ngành

– Thực trạng công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam:

Trong tổng số trên 500.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên cả nước, DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,3% (tính đến hết năm 2018). Tỷ lệ này gần như không tăng so với số lượng năm 2016 là 1.383 DN. Phần nhiều trong số này là các DN nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh yếu, tham gia chuỗi cung ứng ở mức rất thấp; giá trị gia tăng không nhiều do chủ yếu là gia công, lắp ráp. Ngay cả với những đơn hàng có sẵn, năng lực cung ứng của DN cũng khó đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đúng tiến độ và giá thành hợp lý.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội, đến năm 2018, tỷ lệ nội địa hóa của ngành Chế tạo ô tô chỉ đạt từ 5 – 20%; ngành Điện tử 5 – 10%; ngành Da giày khoảng 40-45%… Các DN CNHT Việt Nam không chỉ ít về số lượng mà còn yếu cả về chất lượng. Điển hình trong năm 2018, Samsung đã công bố nhu cầu 170 sản phẩm, Toyota công bố cần hàng trăm linh kiện, nhưng các DN của Việt Nam đều không đáp ứng được yêu cầu của các DN này.

Như vậy, để hiện thực hoá mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, chính phủ cần chú trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, các giải pháp cần được quy định rõ ràng và cụ thể trong các nghị định.
                                                                                                                                                                     st

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *