Vàng từ xưa đến nay được xem là nơi trú ẩn an toàn khi có bất ổn kinh tế, chiến tranh hay dịch bệnh. Kể từ khi lập đỉnh 1900$/oz vào tháng 9 năm 2011 vàng đã có một đợt giảm mạnh về vùng 1046$ đầu năm 2016 sau đó quay đầu sang xu hướng tăng. Sau 4 năm vàng đã bứt phá được đỉnh 1900$/oz, lập đỉnh lịch sử mới 2070$/oz và hiện đang giao dịch ở mức giá 181x$/oz.
Bây giờ chúng ta hãy nhìn về diễn biến giá vàng lịch sử một chút
Năm 2008, một năm khủng khiếp đối với nền kinh tế Mỹ vì bong bóng nhà ở và khủng hoảng nợ dưới chuẩn.
Bear Stearn – một trong những tập đoàn môi giới chứng khoán và ngân hàng đầu tư hàng đầu phố Wall, đã có bề dày hoạt động 85 năm trên thị trường tài chính Mỹ, bị thua lỗ nặng nề khi thị trường nhà đất sụt giá, ngày 16/3/2008 đã tuyên bố phá sản, bị Morgan Chase mua lại với giá 2 USD một cổ phiếu.
Lehman Brother, ngân hàng đầu tư đứng hàng thứ tư ở phố Wall có 158 năm hoạt động, ngày 15/9/2008 đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản do thua lỗ, tổng số nợ lên đến 768 tỷ USD.
Và ngay cả AIG tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới nếu không được FED hỗ trợ khoản vay 85tỷ$ thì có lẽ cũng không cầm cự nổi. Từ Mỹ, cuộc khủng hoảng làm chao đảo thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, làm phá sản nhiều ngân hàng, công ty tài chính, nhiều tập đoàn kinh tế lớn ở nhiều nước trên thế giới, gây suy giảm nghiêm trọng các quan hệ thương mại, tài chính, đầu tư quốc tế và kinh tế thế giới nói chung.
Nói về giá vàng thời điểm này. Cuộc khủng hoảng bong bóng nhà ở năm 2008 cùng với khủng hoảng nợ dưới chuẩn bắt đầu từ giữa năm 2007 đã khiến FED phải liên tục hạ lãi suất từ 5.25% làm dấy lên nỗi lo lạm phát và sự trượt giá của đồng USD. Bên cạnh đó, trong 6tháng đầu năm 2008, khủng hoảng tài chính vẫn còn là một điều gì đó còn “xa vời” đối với châu Âu và các chỉ số kinh tế của khu vực này vẫn ổn, trừ việc lạm phát cao.
Do đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ chống lạm phát, chủ trương giữ lãi suất đồng Euro ở mức cao. Chính sách tiền tệ này của ECB đi ngược chiều với chính sách tiền tệ của FED, khiến USD càng mất giá so với Euro. Còn giới quan sát thì cho rằng, khủng hoảng có lẽ chỉ gói gọn trong phạm vi nước Mỹ, trong ngành tài chính, và sự phát triển năng động của các nền kinh tế ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… và các nền kinh tế đang nổi lên khác sẽ bù đắp được sự giảm tốc kinh tế ở Mỹ.
Một khi kinh tế thế giới vẫn ổn, thì nhu cầu đối với vàng như một nguyên liệu đầu vào và trong ngành công nghiệp chế tác trang sức vẫn tăng vững. Từ đó việc giới đầu tư ồ ạt chuyển vốn sang thị trường vàng đã khiến giá vàng tăng liên tục rồi lập đỉnh lịch sử 1002$/oz ngày 17/3/2008.
Đến giữa năm 2008, khủng hoảng tại Mỹ bắt đầu lan ra thế giới. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu bắt đầu giảm sút lúc này lạm phát đã không còn là mối bận tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, mà thay vào đó là sự sụt giảm tăng trưởng. Nỗi lo kinh tế giảm tốc cũng ảnh hưởng mạnh tới triển vọng nhu cầu vàng của thế giới.
ECB lúc này bắt đầu “băn khoăn” về việc có nên tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất cao để chống lạm phát, hay cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Cùng với đó, sự xấu đi của kinh tế châu Âu vô tình lại trở thành nhân tố giúp đồng USD lấy lại ưu thế so với Euro. Tâm lý nhà đầu tư bắt đầu lưỡng lữ giữa hai phương án: một mặt, lo nhu cầu vàng giảm sút vì suy thoái, mặt khác, lại muốn giữ vàng để đề phòng khủng hoảng. Kết quả, biên độ dao động của giá vàng quý 3 năm 2008 khá rộng, trong khoảng từ 750 – 980 USD/oz.
Lo ngại khủng hoảng lan rộng các ngân hàng khắp thế giới thắt chặt hoạt động cho vay, khiến thế giới rơi vào tình trạng đóng băng tín dụng hiếm gặp, dẫn tới thực tế các nhà đầu tư muốn nắm giữ tiền mặt.
Mặt khác, sự chao đảo của thị trường toàn cầu cũng khiến giới đầu tư ở Mỹ rút vốn về nước, đồng thời giới đầu tư quốc tế đổ xô đi mua trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến một lượng lớn các đồng tiền trên thế giới được chuyển đổi sang USD, giúp đồng tiền này phục hồi mạnh mẽ.Đồng thời các các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất để chạn sự lan rộng của khủng hoảng cũng giúp cho sức mạnh đồng USD phục hồi. Thời điểm này giá vàng có lúc rớt xuống còn khoảng 680$/oz.
Tuy nhiên đến cuối năm 2008 Chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ, với lãi suất đồng USD có thể được đưa về mức 0% và biện pháp bơm USD với khối lượng khổng lồ vào nền kinh tế để chống khủng hoảng, đang tạo áp lực mất giá trở lại đối với USD và khiến người ta đặt câu hỏi về sự hình thành của một chu kỳ lạm phát mới. Bởi vậy, giá vàng thế giới đang có xu hướng phục hồi liên tục từ đầu tháng 12.
Nhìn chung, trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế của năm 2008 này, vàng đã chứng minh được vai trò một kênh đầu tư an toàn của mình.
Nhìn tổng quan thị trường vàng của cuộc khủng hoảng 2008, vàng cán mốc 1030 usd/oz vào tháng 3.2008, đến tháng 10.2008 vàng giảm điều chỉnh thiết lập vùng hỗ trợ 681 usd/oz. Đến cuối năm 2008 vàng tìm lên lại ngưỡng 890 usd/oz. Cho đến tháng 9.2009 vàng bứt phá đỉnh của 2008 và tạo lập đỉnh kỉ lục 1900 usd/oz vào 2011.
Đầu năm nay đại dịch covid bùng phát mạnh đã khiến kinh tế cả thế giới chao đảo và giá vàng tăng phi mã vượt đỉnh lịch sử năm 2011 và sau khi lập đỉnh đến nay vàng vẫn đang trong một xu hướng giảm.
Vậy theo bạn trong thời gian sắp tới vàng sẽ đi về đâu ???
Liệu rằng lịch sử có lặp lại.
Cmt dưới bài viết để cùng thảo luận nhé.